Trả lời:
- Gian lận thi cử là gì? Đi thi thay người khác bị xử phạt như thế nào?
Gian lận thi cử xét theo nhiều góc độ cụ thể thì đó là hành vi thí sinh dự thi quay cóp bài, mang tài liệu vào phòng thi, nhờ người đi thi thay cho mình...nhằm để đạt được điểm số cao hơn khả năng của mình.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 22 Luật Giáo dục 2019 quy định về các hành vi nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục như sau:
“Điều 22. Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục
...
3. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
...
Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thi xử phạt về tội đi thi thay cho người khác như sau:
Điều 14. Vi phạm quy định về thi
....
3. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thi theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
e) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.
....”
Theo đó, trường hợp đi thi thay người khác sẽ bị phạt tiền từ 14 triệu đồng đến 16 triệu đồng.
Lưu ý: mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, nếu trường hợp tổ chức vi phạm hành vi hành chính tương tự sẽ bị áp dụng mức phạt gấp đôi (theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP)
- Giáo viên coi thi tiếp tay cho hành vi gian lận thi cử có bị phạt tù không?
Căn cứ Điều 356 Bộ luật hình sự 2015, khoản 1 Điều này được bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
“Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Theo đó, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để tiếp tay cho hành vi gian lận thi cử gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù lên đến 15 năm tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi phạm tội.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm và có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.