CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

19H Nguyễn Tri Phương, Phường 7, Tp Vũng Tàu

CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Ngày đăng: 03/04/2025 09:05 PM

     

    Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là gì?

    Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:

    “1. Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.

    2. Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường”.

    Như vậy, biện pháp bảo đảm trong thi hành án dân sự là biện pháp được áp dụng theo yêu cầu của người được thi hành án hoặc của chấp hành viên khi thấy người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản.

    Theo đó, việc áp dụng biện pháp đảm bảo trong thi hành án dân sự này là để ngăn chặn tình trạng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án. Đồng thời, còn nhằm gây sức ép khiến người phải thi hành án thực hiện việc thi hành án một cách tự nguyện.

    Các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:

    • Phong tỏa tài khoản;
    • Tạm giữ tài sản, giấy tờ;
    • Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

    Việc áp dụng các biện pháp này có ý nghĩa góp phần đẩy nhanh quá trình thi hành án, góp phần nâng cao ý thức của đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án.

    Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

    Phong tỏa có thể hiểu là hình thức bao vây để cô lập, phong bế không cho chuyển dịch, nhượng quyền hay làm các thủ tục chuyển đổi khác trong giao dịch dân sự.

    Điều kiện áp dụng biện pháp phong toả tài khoản, tài sản nơi gửi giữ:

    Căn cứ Điều 125 BLTTDS 2015 quy định: “Điều 125. Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ

    Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.”

    Như vậy,  áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản nơi gửi giữ khi có căn cứ xác định:

    • Phong toả tài khoản: Người phải thi hành án phải có tiền gửi trong ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác.
    • Phong toả tài sản ở nơi gửi giữ: người phải thi hành án khi người đó có tài sản gửi giữ.

    Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

    Căn cứ Khoản 1 Điều 68 Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định:

    “1. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ.”

    Tài sản ở đây có thể là tài sản bất kỳ, không nhất thiết là động sản đăng ký quyền sở hữu, có thể tạm giữ tiền, kim khí quý, đá quý,…;

    Lưu ý khi áp dụng biện pháp tạm giữ  tài sản, giấy tờ của đương sự

    • Tài sản tạm giữ là tiền mặt: ghi rõ số lượng tờ, mệnh giá các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số sê ri trên tiền.
    • Tài sản tạm giữ là kim khí quý, đá quý: phải niêm phong trước mặt người bị tạm giữ tài sản hoặc thân nhân của họ.
    • Người được giao bảo quản tài sản là cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản sẽ được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản.
    • Người được giao bảo quản tài sản vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo quản tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Biện pháp tạm dừng quyền đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

    Điều kiện áp dụng biện pháp

    Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác.

    Hậu quả pháp lý sau khi có quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

    Điều 19 Nghị định 62/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ hậu quả pháp lý của biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, theo đó:

    “Điều 19. Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

    Kể từ thời điểm nhận được quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, cơ quan đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không được thực hiện việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hoặc thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi nhận được quyết định của Chấp hành viên về chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.”

     

    Zalo
    Hotline